Đơn giản hơn đặt in
Theo Thông tư 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp (DN)
đồng thời có thể sử dụng cả hóa đơn đặt in và tự in. Luật sư Trần Xoa,
Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Đăng Quang, cho rằng phần lớn DN đã sử
dụng phần mềm kế toán, do đó đủ điều kiện để tự in hóa đơn. Các phần mềm
phục vụ cho việc tự in hóa đơn cũng không quá đắt, từ 4 - 6 triệu đồng
tùy loại, nên chi phí đầu tư không cao ngay cả với các công ty sử dụng
ít hóa đơn.
Hết chờ đợi mua hóa đơn đỏ lại mỏi mệt với hóa đơn đặt in.
Theo ông Xoa, có hai nguyên nhân khiến DN không áp dụng biện pháp tự
in hóa đơn là: thứ nhất, sợ bị làm giả do in trên máy laser; thứ hai, cơ
quan thuế không tập trung tuyên truyền quyền được in hóa đơn của DN, mà
chủ yếu tuyên truyền loại hình hóa đơn đặt in.
Vì thế, để giải quyết lo ngại hóa đơn đặt in dễ bị làm giả, ông Xoa
đưa ra giải pháp. Địa bàn TPHCM hiện chỉ có vài chục nhà in trang bị
thiết bị nhảy số (điều kiện cần thiết để in hóa đơn, bên cạnh các loại
giấy phép), trong khi có rất nhiều nhà in chưa đầu tư thiết bị này.
Hiện nay, các nhà in không có thiết bị nhảy số đang thừa công suất,
còn nhà in đủ điều kiện in hóa đơn lại thiếu. Cho nên, DN có thể thiết
kế sẵn mẫu hóa đơn của mình với những kết cấu chống giả, logo, địa
chỉ... giống như giấy tiêu đề, nhưng để trống ở phần số hóa đơn. Sau đó
mang tới các nhà in thừa công suất để in. Khi muốn xuất hóa đơn, chỉ
việc bỏ vào máy tự in.
“Không ít DN đang làm cách này. Cái khác căn bản của hóa đơn tự in và
đặt in là hóa đơn đặt in có số in sẵn; còn hóa đơn tự in thì chưa có
số. DN không nên quá lo sợ bị làm giả hóa đơn tự in, vì điều này rất khó
xảy ra. Ví dụ, chúng ta thông báo cơ quan thuế phát hành 100 tờ hóa đơn
thì xuất đúng 100 tờ; còn ai phát hành quá 100 tờ đó DN không chịu
trách nhiệm. Hơn nữa người làm giả khó biết được DN đang in số hóa đơn
bao nhiêu để mà giả?”, ông Xoa giải thích.
Ông Xoa cũng cho rằng, việc tự in hóa đơn đơn giản hơn nhiều đặt in.
Nhiều DN thừa nhận không hiểu về tự in hóa đơn, cơ quan thuế cũng có
trách nhiệm trong việc này vì công tác tuyên truyền chưa rộng rãi.
Vẫn còn sự lựa chọn
Theo các chuyên gia về thuế, trường hợp các DN đã đặt in rồi nhưng
chưa có hóa đơn có thể không cần phải đặt in nữa và chuyển sang tự in.
Không nên hủy hợp đồng ở chỗ này và chuyển qua chỗ khác để in gấp với
giá “cắt cổ”.
Trao đổi với PV, đại diện Chi cục Thuế Q.11, TP.HCM, cho hay, cho đến
nay chi cục này chỉ có 3 - 4 DN tự in hóa đơn. Ở những chi cục khác,
tình trạng cũng không khá hơn. Lý giải của đại diện Chi cục Thuế Q.11
cho thấy, nhiều DN không biết phải tìm mua phần mềm tự in hóa đơn ở đâu
và như thế nào là một phần mềm chất lượng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hiện có nhiều công ty cung cấp
phần mềm tự in hóa đơn cho DN, kèm theo phần mềm kế toán để đảm bảo hạch
toán doanh thu. Các công ty này cho DN dùng thử 1 tháng, nếu thấy đảm
bảo sẽ ký hợp đồng.
Trường hợp không kịp chuẩn bị thiết bị tự in, nên khảo sát thật kỹ
các nhà in đủ khả năng để tránh mất thời gian. Hiện còn nhiều nhà in có
thể đáp ứng yêu cầu in gấp (5 - 7 ngày) cho DN mà giá vẫn bình thường.
“Khi đặt in hóa đơn ở một nhà in nào đó, DN chú ý đến hai điều kiện
quan trọng sau: thứ nhất, nhà in phải có hai giấy phép, gồm giấy phép
đăng ký kinh doanh và giấy phép ngành in; thứ hai, chất lượng sản phẩm
đảm bảo. Nếu hóa đơn được in ở nhà in không có điều kiện thứ nhất, hóa
đơn đấy sẽ không có giá trị sử dụng”, ông Hữu Vinh, Giám đốc tư vấn Công
ty TNHH tư vấn Trí Luật TP.HCM nói.
Được phép chuyển hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy
Theo Thông tư số
32/2011/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn điện tử (HĐĐT) do Bộ Tài chính vừa
ban hành, người mua - người bán có thể chuyển HĐĐT sang hóa đơn giấy để
đáp ứng cho nhu cầu lưu trữ sổ sách kế toán, nhưng chỉ được chuyển một
lần.
HĐĐT bao gồm: hóa
đơn xuất khẩu, giá trị gia tăng, bán hàng... được lập bởi các tổ chức có
mã số thuế, có giao dịch điện tử với cơ quan thuế, hải quan và sử dụng
chữ ký số. Hóa đơn lập bằng giấy được lưu, truyền bằng phương tiện điện
tử không được coi là HĐĐT. Khi chuyển, hóa đơn giấy phải phản ánh toàn
bộ nội dung HĐĐT gốc, có chữ ký và họ tên người chuyển, có ký hiệu riêng
xác nhận đã được chuyển đổi.
Tổ chức kinh doanh
có thể khởi tạo nhiều hình thức hóa đơn khác nhau: tự in, đặt in, điện
tử. Tuy nhiên, mỗi lần bán hàng hóa, dịch vụ chỉ được sử dụng một hình
thức hóa đơn hoặc tự in, đặt in hoặc điện tử.
Những quy định trên có hiệu lực từ 1/5/2011.
Nguồn tin: Báo thanh niên